THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Đại học Huế, Đại học Sư phạm
- Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Khoa học giáo dục / / Chuyên ngành Cao học: Lý luận và phương pháp dạy học Vật lý
- Năm: 2021 / Số trang: 250 / Định dạng: PDF
- Từ khóa tìm kiếm: Bồi dưỡng năng lực, Học sinh, Năng lực thực hành, Quang hình học, Thí nghiệm, Thực hành thí nghiệm, Trung học phổ thông, Vật lý, Vật lý 11
- /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
Xu hướng hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển đất nước đòi hỏi phải có một lực lượng lao động có năng lực, những con người lao động mới vừa có kiến thức về chuyên môn, thành thạo các kỹ năng, có niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Chính vì vậy việc đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp của dạy học nói chung, dạy học VL nói riêng là bắt buộc để phù hợp và đáp ứng các yêu cầu trên.
Tại khoản 3, điều 30 của Luật Giáo dục (2019) đã qui định: Phương pháp giáo dục phổ thông phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS phù hợp với đặc trưng từng môn học, lớp học và đặc điểm đối tượng HS; bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, khả năng tư duy độc lập; phát triển toàn diện phẩm chất và NL của người học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giáo dục”. [36] Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương 8 khóa XI chỉ rõ: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”, “ Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học…” [3]. Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…” và giải pháp quan trọng nêu ra đó là: “Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người học”[8]. VL là môn khoa học thực nghiệm, các tri thức VL hầu hết được xây dựng dựa trên các kết quả TN hoặc được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học VL phải gắn liền với cải tiến các TN, tăng cường vai trò của TN trong từng đơn vị của kiến thức. Để đạt được mục đích này, việc rèn luyện và phát triển NLTHTN cho HS là rất quan trọng. Điều này không những giúp việc học VL trở nên đúng bản chất hơn, mà còn mang lại cho HS sự hứng thú và tích cực trong hoạt động học tập, chiếm lĩnh tri thức.
Qua thực tế dạy học ở trường phổ thông và qua điều tra, trao đổi với GV, với HS, chúng tôi nhận thấy NLTHTN của HS chưa thể hiện đúng như vị trí, vai trò và ý nghĩa của nó. Thể hiện là phần lớn GV chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng NLTHTN cho HS, chưa có được cách tổ chức dạy học để bồi dưỡng NLTHTN cho các em. Các GV ngại cho HS tiến hành các hoạt động TN, chủ yếu là dạy “chay” hoặc chiếu một vài TN trên máy vi tính. Trong một số trường hợp tiến hành TN thì chủ yếu là GV biểu diễn, HS quan sát và trả lời theo một định hướng sẵn, không có thời gian cũng như không gian để hoạt động tư duy cá nhân. Một bộ phận không nhỏ HS thụ động học tập do không được làm việc hoặc không chịu làm việc trong các giờ học. Trong phần lớn các giờ lên lớp, do giới hạn thời gian của tiết học, GV chỉ làm việc với một số HS khá, giỏi để hoàn thành bài dạy, số còn lại trong lớp nghe và im lặng ghi chép. Xét về mặt nhận thức và hành động, nhiều GV không chuyển hóa được mục tiêu tích cực hóa hoạt động học tập của HS vào việc thiết kế và thực hiện bài dạy, nhất là không tổ chức hoạt động học tập cho HS bằng hệ thống các việc làm tự lĩnh hội. Mặt khác, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, HS rất ngại hoạt động chủ yếu là do hạn chế về khả năng cá nhân. Các dụng cụ TN không được thường xuyên sử dụng nên HS không có hoặc rất hạn chế khả năng nhận biết, thao tác với các dụng cụ đó, từ đó cảm thấy tự ti khi thao tác. Một số HS còn ngại phát biểu trước lớp nên chưa mạnh dạn trong việc trình bày đề xuất phương án TN hay việc lập luận bảo vệ kết quả. Vì vậy để HS tích cực hơn, yêu thích và học VL tốt hơn cần chú trọng đến việc bồi dưỡng NLTHTN cho HS.
Ở phần Quang hình học VL 11 có nhiều TN và ứng dụng trong thực tiễn. Các kiến thức ở phần này là cơ sở cho sự ra đời của nhiều loại thiết bị kỹ thuật, mặt khác các TN mà HS có thể thực hiện cũng khá phong phú. Đây cũng là điều kiện tốt để GV bồi dưỡng NLTHTN cho HS trong quá trình dạy học.
Từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: “Bồi dưỡng năng lực thực hành thí nghiệm cho học sinh trong dạy học phần Quang hình học vật lí 11 Trung học phổ thông” để nghiên cứu sâu hơn các vấn đề đã đặt ra.