THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Học viện khoa học xã hội
- Tác giả: Phạm Thùy Giang
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Ngôn Ngữ học / / Chuyên ngành Cao học: Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu
- Năm: 2023 / Số trang: 315 / Định dạng: PDF, WORD
- Từ khóa tìm kiếm: Ẩn dụ, Đối chiếu, Đối chiếu ẩn dụng, Người phụ nữ, Phụ nữ, Tác phẩm văn học, Thế kỷ 20, Tiếng Anh, Tiếng Việt, Văn học
- /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
“Cuộc cách mạng Lakoff – Johnson”, theo như cách gọi của Trần Văn Cơ [11], gắn liền với cuốn sách kinh điển “Metaphors we live by” (Chúng ta sống bằng ẩn dụ) của Lakoff và Johnson [137] đã làm thay đổi tư duy khoa học về ngôn ngữ của nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới và bùng nổ một trào lưu nghiên cứu mới về ẩn dụ. Theo quan điểm truyền thống, ẩn dụ là phương thức tu từ hay hiện tượng chuyển nghĩa của từ, được sử dụng rất phổ biến trong ngôn ngữ nói chung, đặc biệt là trong ngôn ngữ nghệ thuật – các tác phẩm văn chương nói riêng. Không chỉ đơn thuần là phép tu từ và phương thức chuyển nghĩa của từ, ẩn dụ, theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận (NNHTN), là công cụ tư duy đắc lực giúp ta hiểu một miền ý niệm này thông qua một miền ý niệm khác. “Ẩn dụ tồn tại khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy và hành động” (metaphor is pervasive in everyday life, not just in language but in thought and action) [137, tr.8]. Ẩn dụ không chỉ được sử dụng trong các văn bản hàn lâm, học thuật, trong các sáng tác văn học mà còn hiện hữu trong tất cả hoạt động thường ngày của con người, đến mức người sử dụng không hề nhận biết được đó là ẩn dụ. Nói cách khác, hệ thống khái niệm trong suy nghĩ và hành động của con người về bản chất có tính chất ẩn dụ. Như vậy, ẩn dụ không những chi phối nhận thức mà còn cả hành động của con người. Ẩn dụ không chỉ là những vấn đề của ngôn ngữ mà còn là vấn đề tư duy, nhận thức, tác động đến trí tuệ con người, giúp con người nắm bắt và lĩnh hội thế giới. Do đó, ẩn dụ trở thành chìa khoá quan trọng giúp con người hiểu và lĩnh hội những cơ sở của tư duy và nhận thức những biểu tượng tinh thần về thế giới. Trong quá trình giao tiếp, chúng ta có thể sử dụng ẩn dụ một cách tự nhiên nhưng chúng ta không thể chỉ ra một cách rõ ràng những quy tắc đưa đến quá trình chuyển di ý niệm giữa các lĩnh vực như thế. Chính vì vậy cần có những nghiên cứu về ẩn dụ từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận để khám phá những quá trình chuyển di ý niệm đó.
Với tuyên bố giương cao ngọn cờ “Dĩ nhân vi trung” (lấy con người làm trung tâm), NNHTN dĩ nhiên có gắn bó chặt chẽ với khoa học về con người (nhân học/ nhân chủng học). Những cách nhìn nhận về con người, về những hành động, suy nghĩ và bản sắc của mỗi cá nhân trong xã hội đều xuất hiện trong các học thuyết, nghiên cứu và phương pháp luận của NNHTN. Phụ nữ cũng là một đối tượng nghiên cứu không chỉ trong văn thơ mà còn trong NNHTN. Thật vậy, phụ nữ là một nửa quan trọng của thế giới và từ trước đến giờ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều tác giả sáng tác nên các áng văn thơ lắng đọng lòng người. Maxim Gorki – nhà văn lớn của nước Nga thế kỉ 20 đã từng tôn vinh những người phụ nữ: “Вся гордость мира от матерей. Без солнца не цветут2 цветы, без любви нет счастья, без женщины нет любви, без матери нет ни поэта, ни героя!” (“Tất cả niềm kiêu hãnh của thế giới đều xuất phát từ các bà mẹ. Nếu không có mặt trời, thì hoa đâu có nở, không có tình yêu thì đâu có hạnh phúc, không có phụ nữ thì đâu có tình yêu, không có bà mẹ thì đâu có thi nhân, đâu có anh hùng!” [62].
Vấn đề ẩn dụ ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, triết học, xã hội học, v.v. và văn học. Ẩn dụ ý niệm (ADYN) về người phụ nữ cũng được sử dụng khá nhiều trong văn, thơ. Có thể nói ẩn dụ là hơi thở và diện mạo của các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào so sánh đối chiếu giữa ADYN về người phụ nữ trong các tác phẩm văn học Mỹ và Việt Nam thế kỉ 20. Chính vì vậy, chúng tôi đã chọn đề tài ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT (TRÊN CỨ LIỆU CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC THẾ KỈ 20) cho luận án của mình.
Luận án sẽ dựa trên lý thuyết về NNHTN để giải thích các ADYN về người phụ nữ trên cứ liệu các tác phẩm văn học thế kỉ 20. Trên cơ sở phân tích các ADYN, luận án sẽ so sánh, đối chiếu các nét đồng nhất và khác biệt về văn hoá, tư duy giữa hai cộng đồng người Mỹ và người Việt, góp phần làm sáng tỏ sự giống và khác biệt về văn hóa cũng như tư duy trong văn hóa ngôn từ của các nhà văn Mỹ và Việt thế kỷ 20, đặt trong sự tương quan giữa cái mang tính phổ quát toàn nhân loại với cái đặc trưng mang tính dị biệt của từng dân tộc.