THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Viện khoa học thể dục thể thao
- Tác giả: Ngô Thịnh Hường
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Giáo dục học / / Chuyên ngành Cao học: Giáo dục học
- Năm: 2022 / Số trang: 185 / Định dạng: PDF
- Từ khóa tìm kiếm: Năng lực cạnh tranh, Trang tin điện tử
- /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X (8/2007) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng, lí luận, báo chí. Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết đã chỉ rõ “Đối với báo chí, cần nhấn mạnh, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị – xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí” [7].
Trang tin điện tử TDTT Việt Nam hoạt động theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Đồng thời tuân thủ các nội dung trong Luật Thể dục, Thể thao [8], [24].
Xây dựng một hệ thống thông tin phục vụ quản lý điều hành và tác nghiệp của Ngành TDTT trên môi trường Internet đã được triển khai theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 [178], [21], [79]. Kết quả trong giai đoạn 2001-2010 đối với trang tin điện tử TDTT đã phổ biến được những thông tin cần thiết liên quan tới công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành TDTT; đồng thời thực hiện tuyên truyền đối nội, tuyên truyền đối ngoại thông qua việc cung cấp, trao đổi những thông tin về hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao, quan hệ hợp tác quốc tế, khoa học TDTT, phổ biến kiến thức về TDTT… Hệ thống thông tin điện tử tổng hợp này cũng đồng thời là một công cụ để Ngành TDTT thực hiện tiếp xúc, lắng nghe tới công dân, thực hiện các dịch vụ công theo mô hình Chính phủ điện tử [84], [85].
Việc xây dựng Trang tin điện tử TDTT của Ngành TDTT là nhằm đưa thông tin về các hoạt động TDTT trên mọi lĩnh vực tới đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, chất lượng tin, bài trên trang tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, cũng như đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo ngành TDTT.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội, nhiều loại hình trang tin điện tử mới xuất hiện, ngày càng phong phú, đa dạng và cơ chế thị trường giàu tính cạnh tranh buộc các trang tin điện tử TDTT phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua thực tiễn công tác vận hành, tác nghiệp cho thấy còn tồn tại một số điểm sau đây:
Quá trình tác nghiệp tin bài cho đến kiểm duyệt, đăng tin còn chậm, chưa đảm bảo được về thời gian, và chưa thông tin kịp thời về các sự kiện của ngành TDTT.
Các công nghệ ứng dụng cho thiết kế trang tin điện tử còn chưa bắt kịp xu thế nên làm giảm hiệu quả tương tác với độc giả, khó mở rộng các nội dung liên quan đến TDTT quần chúng và thành tích cao. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của trang tin điện tử còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các phóng viên cần được đào tạo về lĩnh vực báo chí, công nghệ và đặc thù ngành TDTT. Mức độ chuyên trách còn thấp và vẫn phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều chuyên mục.
Đánh giá tổng quát về các công trình nghiên cứu đã công bố có liên quan của các tác giả Đàm Quốc Chính (2007) [18], Lưu Chu Hưng (2008) [49], Phạm Thị Thu Huyền (2014) [53], Nguyễn Thanh Nhân (2015) [63], Nguyễn Hoàng Minh Thuận (2015) [76], Lê Ngọc Tâm (2016) [71], Lê Thị Ngọc Anh (2019) [1], Nguyễn Mạnh Tuân (2020) [80] cho thấy: Các công trình đã hình thành cơ sở lý luận liên quan đến năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực báo chí hoặc các vấn đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng website, quản lý quá trình đào tạo vận động viên thể thao và định hướng khái quát về phát triển trang tin điện tử TDTT Việt Nam, nâng cao hiệu quả tác nghiệp.
Tuy nhiên, các công trình chưa đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh đối với trang tin điện tử TDTT Việt Nam.
Các công trình chưa đi sâu nghiên cứu về năng lực cạnh tranh và hệ thống các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh làm cơ sở để trang tin điện tử TDTT Việt Nam tự đánh giá năng lực cạnh tranh của mình; Chưa xác định đầy đủ và đánh giá đúng những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử TDTT Việt Nam (yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan); Chưa đánh giá đúng thực trạng năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử TDTT Việt Nam;
Chưa dự báo xu hướng cạnh tranh của trang tin điện tử TDTT Việt Nam khi vị trí, vai trò của từng loại hình báo chí có thay đổi. Chưa đề xuất một cách có căn cứ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử TDTT Việt Nam trong thời kỳ mới.
Có thể khẳng định trang tin điện tử TDTT của ngành ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt trong công tác TDTT. So với nhu cầu, yêu cầu của bạn đọc, Trang tin điện tử TDTT còn nhiều hạn chế, bất cập. Xuất phát từ những lý do nêu trên, dựa vào các phân tích về ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử TDTT Việt Nam, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử Thể dục thể thao Việt Nam”.