THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Học viện khoa học xã hội
- Tác giả: Nguyễn Văn Quý
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Tôn giáo học / / Chuyên ngành Cao học: Tôn giáo học
- Năm: 2023 / Số trang: 149 / Định dạng: PDF, WORD
- Từ khóa tìm kiếm: Chùa, Niềm tin, Pháp tu tịnh độ, Phật giáo, Tín đồ, Tín đồ Phật giáo
- Thực tiễn áp dụng: Hà Nội /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
Trong tiến trình lịch sử Phật giáo Đại thừa, nhiều pháp tu đã được các cao tăng khám phá, truyền dạy, nhằm hướng dẫn tín đồ Phật giáo có được sự giác ngộ, giải thoát. Trong số các pháp tu đó, pháp tu Tịnh Độ (PTTĐ) được tín đồ Phật giáo đặc biệt ưu chuộng bởi tính uyển chuyển trong phương pháp tu tập, tính phù hợp với nhiều “hạng” tín đồ, nhất là tín đồ Phật giáo tại gia.
Từ lâu, ở Trung Quốc và Nhật Bản, PTTĐ đã phát triển thành một tông phái Phật giáo, gọi là Tịnh Độ tông (TĐT), với hệ thống tổ đình, tự viện và sự truyền thừa liên tục cho đến tận ngày nay. Ở Việt Nam, PTTĐ tuy xuất hiện khá sớm trong lịch sử nhưng đến nay vẫn chỉ tồn tại với tư cách là một pháp môn tu hành/ pháp tu. Tuy nhiên, dù không phát triển thành một tông phái như ở Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng PTTĐ ở Việt Nam vẫn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tu tập của tín đồ Phật giáo và sinh hoạt tinh thần của người dân trên nhiều phương diện. Tiêu biểu là tư tưởng Tịnh Độ, niềm tin Phật A Di Đà và thực hành niệm Phật luôn hiện diện trong sinh hoạt tu tập của cá nhân, nhóm/cộng đồng tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Đến cuối cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở miền Nam Việt Nam, PTTĐ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành một số tôn giáo nội sinh như Tịnh Độ Cư Sỹ Phật Hội, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, Hệ phái Khất Sỹ,…; ở miền Trung là sự ra đời của các Niệm Phật Đường; và ở miền Bắc là các đạo tràng niệm Phật (ĐTNP) với những quy tắc, nghi lễ, phương pháp thực hành niệm Phật riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu một bộ phận tín đồ Phật giáo. Nhưng cũng do bối cảnh lịch sử, các đạo tràng niệm Phật này dần dần bị mai một, chỉ duy trì sinh hoạt tu tập với tên gọi là Hội quy, Hội Bà vãi, Tổ Di Đà với quy mô nhỏ hẹp trong các ngôi chùa.
Trong mấy thập niên trở lại đây, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhờ sự đổi mới đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Sự phát triển kinh tế làm cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa gia tăng và khiến cho đời sống văn hóa xã hội có nhiều biến đổi. Trong đó có sự phục hồi của nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, năm 2008, tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội và Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích, dân số lớn, nâng cao hơn vị trí, vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo của cả nước.
Với Phật giáo Hà Nội, sau khi sáp nhập Hà Tây, số lượng tín đồ không chỉ tăng nhanh mà các hình thức, nội dung sinh hoạt của Phật giáo trên địa bàn cũng trở nên phong phú, đa dạng. Đó là sự ra đời của nhiều câu lạc bộ, khóa tu, đạo tràng,… nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần, lứa tuổi. Trong nhóm các đạo tràng thì đạo tràng niệm Phật (ĐTNP) và đạo tràng tu Thiền tiêu biểu hơn cả về số lượng, quy mô và phần lớn các đạo tràng này được thành lập trong các ngôi chùa.
Nhìn chung, hình thức và nội dung sinh hoạt Phật giáo hiện nay trên địa bàn Hà Nội là minh chứng cho tính lịch sử và sự uyển chuyển của Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh mới. Đó không chỉ là khả năng đáp ứng nhu cầu của tín đồ Phật giáo nói chung, tín đồ Phật giáo theo PTTĐ nói riêng về một đời sống thanh thản, an lạc mà còn đáp ứng nhu cầu của họ sau khi chết được về một thế giới tốt lành.
Đến nay, PTTĐ ở Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Các công trình này được các nhà nghiên cứu tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau như Sử học tôn giáo, Văn hóa học tôn giáo, Triết học tôn giáo, Xã hội học tôn giáo, Phật học,… Kết quả nghiên cứu từ những công trình này đã đem lại một bức tranh chung về PTTĐ trên các phương diện như: lịch sử hình thành và phát triển; giáo lý, tôn chỉ và phương pháp tu tập; sự ảnh hưởng qua lại giữa PTTĐ với Thiền tông và Mật tông; ảnh hưởng của PTTĐ đối với đời sống tín đồ Phật giáo, đời sống tinh thần của người dân,… Song, đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống về PTTĐ qua niềm tin và thực hành của cá nhân, nhóm/cộng đồng tín đồ Phật giáo đang sinh hoạt tu tập trong ĐTNP ở các ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội; cũng như chỉ ra đặc điểm, vai trò và xu hướng của PTTĐ qua nghiên cứu, khảo sát niềm tin và thực hành của tín đồ Phật giáo trong ĐTNP ở các ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội đương đại.
Trong bối cảnh đó, một nghiên cứu tiếp cận Tôn giáo học, Sử học tôn giáo và Xã hội học tôn giáo về PTTĐ là cần thiết. Vì vậy, tôi lựa chọn đề tài “Pháp tu Tịnh Độ qua niềm tin và thực hành của tín đồ Phật giáo ở một số ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội hiện nay” làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học tại Học viện Khoa học xã hội.