THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Học viện khoa học xã hội
- Tác giả: Phan Khánh Dương
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Kinh tế học / / Chuyên ngành Cao học: Kinh tế học
- Năm: 2023 / Số trang: 163 / Định dạng: PDF, WORD
- Từ khóa tìm kiếm: Nuôi trồng thủy sản, Sinh kế, Sinh kế bền vững, Thủy sản, Xâm nhập mặn
- Thực tiễn áp dụng: Đồng bằng Sông Hồng /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và những hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng có những tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay, việc nghiên cứu về sinh kế bền vững thích ứng với môi trường thiên nhiên đang thay đổi là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên khả năng ứng phó với BĐKH còn thấp như Việt Nam. Việt Nam có 28 tỉnh ven biển với đường bờ biển dài 3260 km, khu vực ven biển là nơi tập trung các nền kinh tế năng động, tạo ra sinh kế cho hàng triệu người. Tại khu vực ven biển, nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những ngành kinh tế then chốt, đi đầu trong tăng trưởng kinh tế. Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 87% sản lượng nuôi trồng thủy sản trên toàn quốc. Riêng NTTS ước tính cung cấp khoảng 2,6 triệu việc làm cho khu vực ĐBSH và ĐBSCL [10].
Tính đến năm 2021, dân số các tỉnh ven biển ĐBSH (gồm 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình) khoảng 8.142.900 người (chiếm 35% tổng dân số các tỉnh ĐBSH). Cộng đồng dân cư ven biển nói trên khoảng 2,45 triệu người (30% dân số các tỉnh ven biển ĐBSH) hoạt động sản xuất chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, NTTS và đánh bắt thủy sản [68]. Trong những năm gần đây, các hoạt động NTTS theo hướng thâm canh đã được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra việc làm và thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình khu vực ven biển các tỉnh ven biển ĐBSH. Sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản cũng góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của các tỉnh ven biển ĐBSH theo hướng hiện đại hóa, làm cho đời sống kinh tế, xã hội có những chuyển biến tích cực, nhiều gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo nhờ nuôi trồng thuỷ sản. Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển ĐBSH có vai trò quan trọng như: cung cấp nguồn thực phẩm và đảm bảo an ninh lương thực miền Bắc; góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo ra nghề nghiệp mới, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn; tăng hiệu quả sử dụng vốn mặt đất, mặt nước; nguồn xuất khẩu quan trọng, đem lại lượng ngoại tệ lớn; góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng.
Mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế cũng như đời sống của người dân, nhưng NTTS tại các tỉnh ven biển ĐBSH hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Một trong những vấn đề mà người dân nuôi trồng thủy sản cũng như những nhà quản lý các tỉnh ven biển đồng bằng ven biển sông Hồng đang phải đối mặt là hiện tượng xâm nhập mặn (XNM). Đây không phải là hiện tượng nhất thời mà đã và đang diễn ra tại hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSH. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất NTTS về nhiều mặt như: làm thay đổi diện tích mặt nước, thay đổi chất lượng nguồn nước, làm mất môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sản. Tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và cách thức sản xuất truyền thống của người dân NTTS. Những ảnh hưởng tiêu cực của XNM làm cho năng lực nuôi trồng thủy sản của khu vực ven biển ĐBSH giảm. Việc khắc phục những hậu quả do xâm nhập mặn gây ra gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Vì vậy, vấn đề phát triển bền vững sinh kế NTTS các tỉnh ven ĐBSH trong bối cảnh XNM để hạn chế được những thiệt hại và tận dụng được những cơ hội là cần thiết.
Xuất phát từ những lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài: “Sinh kế bền vững trong nuôi trồng thủy sản các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng thích ứng xâm nhập mặn” làm chủ đề nghiên cứu cho luận án tiến sĩ ngành Kinh tế học của mình.