THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Học viện khoa học xã hội
- Tác giả: Lài Thị Vân
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Văn hóa học / / Chuyên ngành Cao học: Văn hóa học
- Năm: 2023 / Số trang: 154 / Định dạng: PDF, WORD
- Từ khóa tìm kiếm: Nghi lễ, Người chết, Người Tày, Tang ma, Tổ tiên
- Thực tiễn áp dụng: Đắk Lắk /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
Người Tày là một trong những tộc người thiểu số ở Việt Nam có nền văn hoá lâu đời, lưu giữ một kho tàng văn hoá phi vật thể quý báu, trong đó nổi bật là hệ thống nghi lễ phong phú mà nghi lễ vòng đời chiếm một vị trí quan trọng. Đặc biệt, tang ma là nghi lễ tiêu biểu trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Tày; là quy trình nghi lễ tín ngưỡng dân gian phức hợp gắn liền với người chết và quá trình người sống chuẩn bị cho người chết có một cuộc sống mới ở thế giới vĩnh hằng cùng ông bà tổ tiên thông qua hệ thống nghi lễ chuyển đổi.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu văn hoá Tày từ trước đến nay đã có rất nhiều công trình công bố, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở miền núi phía Bắc, nơi cư trú cội nguồn của người Tày, còn đối với bộ phận người Tày chuyển cư đến các vùng miền khác như Tây Nguyên vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Nhất là hiện tượng lưu giữ tập quán về tang ma của người Tày sau khi di cư đến vùng đất mới, trong bối cảnh thay đổi về kinh tế – xã hội, về sự phân bố dân cư và giao lưu văn hóa, v.v.. Có thể thấy, đây là khoảng trống cho các đề tài quan tâm nghiên cứu về đối tượng này.
Sau năm 1975, nhất là sau Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979), các tộc người thiểu số phía Bắc (trong đó có người Tày) di cư vào Tây Nguyên sinh sống với số lượng khá lớn. Đắk Lắk là một trong những tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên có đông người Tày cư trú, trong đó, một bộ phận định cư ở huyện Krông Năng (đây cũng là điều kiện thuận lợi để họ duy trì các hình thức văn hoá truyền thống). Trong quá trình di cư vào Đắk Lắk, người Tày đã mang theo nhiều di sản văn hoá, họ có ý thức cao trong việc duy trì bản sắc văn hoá truyền thống tộc người ở vùng đất mới, góp phần vào sự đa dạng, phong phú về văn hoá các dân tộc thiểu số huyện Krông Năng nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Văn hoá tín ngưỡng của người Tày ở Đắk Lắk được bảo lưu ở vùng đất này thể hiện qua các phong tục, nghi lễ, tết, sinh hoạt tín ngưỡng, nghĩ lễ gia đình, lễ hội, v.v., trong đó có nghi lễ tang ma. Tang ma là hình thức văn hoá tín ngưỡng biểu hiện rõ nhất tư tưởng, tình cảm, đời sống tâm linh vẫn được người Tày ở Đắk Lắk duy trì thực hành theo nghi thức truyền thống. Mặc dù có sự tác động2 của các yếu tố văn hoá mới, của nền kinh tế thị trường, của sự giao lưu tiếp biến văn hoá khi sinh sống xen kẽ giữa nhiều tộc người, v.v. song, nghi lễ tang ma được cho là ít biến đổi nhất trong hệ thống nghi lễ vòng đời người Tày.
Nghi lễ tang ma là một trong những nghi lễ quan trọng của người Tày, thể hiện rõ nhất vũ trụ quan, nhân sinh quan tộc người; vừa mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo vừa hàm chứa những giá trị văn hoá truyền thống, những quy tắc ứng xử của gia đình, cộng đồng, mà điểm nổi bật là quan niệm về đạo hiếu, đạo nghĩa, việc đền công, báo đức của con cháu dành cho cha mẹ, ông bà. Quy trình thực hành nghi lễ tang ma là sự thể hiện cụ thể và sinh động nhất về niềm tin tôn giáo, quan điểm, hệ giá trị, quan hệ xã hội, v.v. của tộc người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghi lễ tang ma không chỉ là nghi lễ của gia đình mà còn là của cộng đồng, khi trong làng có người mất, cả thôn làng có nhiệm vụ giúp đỡ, lo liệu ma chay cho người quá cố.
Nghiên cứu nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk với mục đích tìm hiểu một cách có hệ thống và đầy đủ hơn về nghi lễ này trong truyền thống và đương đại; nhìn ra các chiều kích chuyển đổi của việc thực hành nghi lễ nhằm đưa người chết hoà nhập với thế giới tổ tiên; nhìn nhận nghi lễ tang ma của người Tày ở Đắk Lắk như một quá trình chuyển đổi, từ chuyển đổi tâm lý đến chuyển đổi trong thực tế đời sống vật chất và tinh thần của người sống, từ sự chuyển đổi thân xác và linh hồn của người chết về với tổ tiên ở khu mộ, ở mường Trời và ở bàn thờ đến sự chuyển đổi quan niệm và thực hành tang ma trong bối cảnh mới ở vùng đất mới; nhận diện rõ hơn quan niệm của người Tày về sự sống và cái chết qua nghi lễ chuyển đổi cho người chết sang thế giới tổ tiên, tạo lập cuộc sống mới cho người chết ở bên kia thế giới; đánh giá đầy đủ hơn về những đặc trưng trong văn hoá tộc người Tày; đồng thời nhận định sâu sắc hơn những đóng góp về văn hoá của người Tày trong kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu nghi lễ tang ma, luận án tập trung vào vấn đề nghi lễ chuyển đổi cho người chết sang thế giới tổ tiên của người Tày ở Đắk Lắk. Về mặt lý luận, luận án đóng góp một nghiên cứu trường hợp cho những lý thuyết trước đây về tang ma trong ngành nhân học, cụ thể, tang ma Tày mặc dù có biến đổi để thích ứng với điều3 kiện môi trường sống, chính sách, bối cảnh di cư, vị thế xã hội mới, nhưng mục đích cuối cùng của nó vẫn là thực hành nghi lễ chuyển đổi linh hồn người chết về thế giới tổ tiên, là tiếp nối sự sống sau khi chết theo niềm tin tín ngưỡng của người Tày. Về mặt thực tiễn, đề tài góp phần cung cấp những luận cứ khoa học trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc; góp phần bổ sung nguồn tư liệu quan trọng cho chuyên ngành nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo, về văn hoá tộc người Tày, về vấn đề phát huy, phát triển văn hoá truyền thống của người Tày nói riêng và các tộc người ở Việt Nam nói chung trong bối cảnh giao lưu và hội nhập.
Xuất phát từ những lý do trên, tác giả đã chọn Tang ma của người Tày ở Đắk Lắk: nghi lễ chuyển đổi cho người chết sang thế giới tổ tiên làm đề tài luận án.