THÔNG TIN TÀI LIỆU
- Trường: Học viện khoa học xã hội
- Tác giả: Nguyễn Thị Nga
- Phân loại tài liệu: Luận án / Ngành: Lý luận văn học / / Chuyên ngành Cao học: Lý luận văn học
- Năm: 2023 / Số trang: 151 / Định dạng: PDF, WORD
- Từ khóa tìm kiếm: Franz Kafka, Haruki Murakami, Phi lý, Sáng tác, Tâm thức, Tâm thức hậu hiện đại, Tâm thức hiện đại, Yếu tố phi lý
- /
MỤC LỤC TÀI LIỆU
TÓM TẮT NỘI DUNG
Cuộc chuyển đổi từ hệ hình tư duy tiền hiện đại sang hiện đại là một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đó là khi con người nhận ra trí năng có thể bất lực trước đời sống và mọi sự lí giải của con người có nguy cơ chống lại đời sống. Tư duy duy lí cùng với triết học tự nhiên đã tỏ ra bất lực trong việc trả lời những vấn đề của con người khi bước vào thời kỳ hiện đại trong đó có vấn đề phi lý. Triết học tự nhiên sau rất nhiều thành tựu đã từng bước nhường chỗ cho triết học nhân sinh.
Franz Kafka là nhà văn lớn mở đầu và tiêu biểu cho dòng văn học phi lý, người mở đường cho chủ nghĩa hiện đại trong văn học.Từng bước trong hành trình khám phá cái phi lý trong tác phẩm của Đôxtôiepxki, qua các sáng tác của mình, Kafka đã trở thành người đưa cái phi lý làm đối tượng nhận thức của văn học. Nếu cái phi lý trong triết học đã được các triết gia khẳng định qua những khái niệm và phạm trù trừu tượng thì cái phi lý trong văn học lại được Kafka cảm nhận bằng những thân phận vô vọng của các nhân vật, với những nỗ lực đối đầu với những bất khả tri về thế giới .
Nếu đầu thế kỷ XX trong văn học thế giới có Franz Kafka là người mở đường cho chủ nghĩa hiện đại, thì đầu thế kỷ XXI, Haruki Murakami đã xuất hiện như một nhà văn tiêu biểu của văn học hậu hiện đại. Từ lâu, Haruki Muakami đã trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng, cách này hay cách khác, ông chính là hình vóc của văn chương thế kỷ 21, một hiện tượng của văn học Nhật Bản.
Con người trong thế giới nghệ thuật của Murakami luôn đối diện với sự cô đơn, sự hoài nghi tuyệt vọng, bị chi phối bởi bản năng sống và bản năng chết trong hành trình tìm kiếm bản ngã đích thực của mình trước nhiều khả thể.
Nếu con người trong sáng tác của Kafka cô đơn lạc lõng trước những mê cung quyền lực vô hình, họ bị cuốn vào guồng quay chóng mặt của xã hội hiện đại dần dần đánh mất bản sắc của mình trở thành cái bóng mờ trong sự vật lộn của kiếp nhân sinh; họ lo âu, tuyệt vọng và bất lực khi sống trong một thế giới phi lí thì con người trong sáng tác Murakami luôn cố đi tìm cái bản thể nguyên sơ, toàn vẹn trong nỗi cô đơn vô tận giữa không gian và thời gian. Họ luôn khao khát tìm kiếm câu trả lời cho cái tôi đích thực, cái bản ngã của chính con người mình trong một thế giới hậu hiện đại đầy rẫy sự phi lý. Đó chính là cuộc săn đuổi, khám phá “con người bên trong con người”, những mặt còn khuất tối, mặt thật của chính mình trong thế giới tiềm thức, vô thức của con người.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Franz Kafka và Haruki Murakami như những đối tượng riêng biệt, nhưng nghiên cứu so sánh thế giới của hai nhà văn để tìm ra những tương đồng và khác biệt thì đến nay chưa có ai thực hiện một các có hệ thống. Việc chúng tôi lựa chọn Yếu tố phi lý trong sáng tác của Franz Kafka và Haruki Murakami nhìn từ tâm thức hiện đại, hậu hiện đại làm đối tượng nghiên cứu sẽ mở ra khả năng khám phá những đặc điểm của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn học, qua đó cho ta thấy sự vận động của tư duy nghệ thuật từ hiện đại sang hậu hiện đại, những tiếp biến và sáng tạo của quá trình đổi mới tư duy nghệ thuật của một nhà văn tiêu biểu của văn học Phương Tây và phương Đông.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu so sánh yếu tố phi lý trong sáng tác của hai nhà văn đại diện cho hai hệ hình tư duy nghệ thuật này, một mặt sẽ cho thấy cái nhìn đặc thù của từng nghệ sỹ trong những giới hạn của tinh thần hiện đại, hậu hiện đại mà họ đại diện; mặt khác chỉ ra những yếu tố mang tính quá trình của các kiểu tư duy nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.
Không chỉ hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới, Murakami còn tạo được sự chú ý đặc biệt với các nhà nghiên cứu, phê bình ở Việt Nam. Tính đến nay đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về Murakami trên rất nhiều góc độ như: bút pháp, đề tài, thể loại .v.v.
Trước hết, xét về góc độ đề tài chúng tôi rất quan tâm đến các bài viết của các tác giả Nhật Chiêu, Cao Việt Dũng.
Với sự kiện ngày 17/3/2007, công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam kết hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hội thảo về tác phẩm của Haruki Murakami và Yoshimoto Banana tại Hà Nội đã đánh dấu một bước chuyển lớn trên con đường nghiên cứu về các tác phẩm của nhà văn tiêu biểu này. Đầu tiên có thể kể đến đánh giá của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu:”Tiểu thuyết Haruka Murakami với tinh thần tự do và tưởng tượng, được kể với một bút pháp sống động và đam mê như nghìn lẻ một đêm của thời kỳ hiện đại”.
Cũng tại hội thảo này, tác giả Cao Việt Dũng đã trình bày quan điểm của mình về bút pháp yếu tố bí ẩn trong sáng tác của Murakami. Đó là sự bí ẩn tạo nên sự kết nối nội tại trong thế giới tiểu thuyết của nhà văn, những cái bí ẩn không được giải thích, từ chối giải thích. Ông xem Murakami chính là nhà thư ký trung thành của thời đại. Những huyền thoại trong các trang sách của ông có thể gọi là “huyền thoại của thời hậu hiện đại”.
Không chỉ khám phá về phương diện đề tài, những tác phẩm của Murakami còn được tác giả nghiên cứu dưới góc độ thể loại. Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là tác giả Trần Tiễn Cao Đăng. Trong bài giới thiệu tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót và phỏng vấn độc giả Việt Nam, tác giả này đã nêu ra những câu hỏi xoáy sâu vào những vấn đề tiểu thuyết Haruki Murakami như: quan niệm nhà văn về chiến tranh, về cái ác, về sự đan xen giữa văn học thuần túy và văn học đại chúng cũng như một số nét đặc trưng trở đi trở lại trong tác phẩm của ông, như nỗi ám ảnh kỳ lạ về cái chết. Tác phẩm của ông dường như cái gọi là sự tiếp biến văn hóa giữa các khu vực khác nhau trên thế giới trong thời hậu hiện đại. Điều đáng quan tâm nhất của bài phỏng vấn này có lẽ nằm ở câu trả lời của Haruki Murakami: “Cái tôi muốn mô tả trong tác phẩm của tôi là những con người”. Vậy là thân phận con người đã trở thành nỗi ám ảnh trong những sáng tác của nhà văn.
Một trong những bài viết đáng chú ý trong nhóm nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài là bài viết của Nguyễn Thị Bích Thủy – Nguyễn Thị Nhã Trúc: Murakami và sự xóa nhòa ranh giới văn học thuần túy và văn học đại chúng nhật Bản, Bài viết đã tìm hiểu nghệ thuật xóa nhòa lằn ranh giữa hiện thực và siêu hiện thực dưới dạng hiện thực chủ quan gắn với phạm trù vô thức của cá nhân của mỗi nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami, đồng thời đi vào phân tích nghệ thuật xóa nhòa ranh giới ấy trong mối tương quan của hiện thực và siêu thực ở tầng sâu vô thức tập thể.
Tiếp theo, có thể kể đến tác giả Nguyễn Thị Kim Ngân trong bài viết sự tái sinh của motif folklore trong Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami (Hội thảo văn học hậu hiện đại, lý thuyết và thực tiễn, 2013), thông qua việc phân tích sự tái sinh của các môtif về dịch chuyển không gian và các motif khác như “thế giới khác trong giấc mơ”, “chim tiên tri”, “đèn thần”, “sứ giả trao kỷ vật” để đi đến kết luận: “đúng như tinh thần chính của hậu hiện đại với các đặc tính phá vỡ cấu trúc bền vững, phá vỡ trật tự thời gian, tạo nên một mê cung hỗn độn và tràn lên nó đầy rẫy những hoang tưởng”.
Nhắc đến các công trình nghiên cứu về Murakami, không thể không nhắc tới những khám phá về thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Murakami của tác giả Trần Thị Tố Loan với bài viết Kiểu con người đa ngã trong tiểu thuyết Người tình Sputnik của Haruki Murakami, in trong cuốn Văn học hậu hiện đại- Diễn giải và tiếp nhận(Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia 2011). Trong bài viết này tác giả đã tập trung nhận diện con người đặc trưng của hậu hiện đại như sau: “Người tình Sputnikđã diễn tả một cách tinh tế cảm thức của thời đại con người không tin vào đại tự sự mà họ đi tìm những mảnh vỡ của chính mình. Mỗi mảnh vỡ ấy chính là một phần trong cái tôi đa ngã của họ” và “Haruki Murakami, với những tác phẩm sâu sắc, đã lặng lẽ hòa vào dòng văn học mới bằng cảm thức của thời đại con người hoang mang trước sự đổ vỡ của các đại tự sự. Haruki Murakami qua các kiệt tác của mình đã không làm được việc đáng chán là gom nhặt các mảnh vỡ hiện thực để xây dựng một hình ảnh ngụy tạo về thế giới hoàn hảo như con người mong muốn nhìn thấy mà ông chấp nhận thế giới là hỗn mang như vốn có. Và nhân vật của Haruki Murakami đã được đặt trong thế giới chông chênh ấy. Trong cõi hỗn loạn xô bồ của đời sống, họ phải dằn vặt, suy nghĩ, trăn trở nhiều khi tìm đến cái chết để giữ được bản ngã của mình” [79, 482].
Năm 2011, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội cho xuất bản cuốn Những cây bút kiệt xuất trong nền văn học Nhật Bản hiện đại do Nguyễn Tuấn Khanh biên soạn và giới thiệu. Tác giả đã dành hẳn 40 trang để giới thiệu về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của Haruki Murakami. Lý giải về sức hút của tác phẩm Murakami với công chúng, Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng đó chính là nhờ “sức sáng tạo của Murakami thực phong phú, đa dạng và mỗi tác phẩm của ông là một tìm tòi, khám phá mới về thế giới, nó chứa đựng tính toàn cầu sâu sắc, có lẽ bởi thế mà tác phẩm nào của Murakami cũng có sức hút mạnh mẽ” [70, 401] và “Murakami đã viết ra một thứ văn soi rọi những vấn nạn của thế giới hậu hiện đại, vạch rõ sự khủng hoảng của nước Nhật kể từ cuối thời kỳ hậu chiến. Phong cách văn chương của Murakami tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa phương tây, nhưng sâu xa nó vẫn nói về Nhật Bản và vai trò nước Nhật trong xã hội toàn cầu hậu hiện đại” [70, 440]
Ngoài ra có thể kể đến các bài viết của các tác giả như: Ngô Viết Hoàn, Phạm Văn Học, Lê Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Anh Dân .v.v. Mặc dầu, dưới các góc nhìn khác nhau, phương pháp nghiên cứu khác nhau nhưng họ gặp gỡ ở chỗ cùng đề cập đến vấn đề nỗi cô đơn bản thể trong sáng tác của Murakami. Cụ thể là tác giả Ngô Viết Hoàn đã tiếp nhận tiểu thuyết Murakami ở phương diện Chủ nghĩa dấn thân trong tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót, sau khi phân tích một cách cụ thể về các nhân vật trong tác phẩm này, tác giả Ngô Viết Dũng đã nhận định: mục đích của của chủ thể trong dấn thân trong các thế giới của hình sắc và tạp niệm để đốn ngộ về chính thể và tha nhân thông qua cách kể chuyện đa tầng bậc. Còn tác giả Phạm Văn Học trong tác phẩm Nỗi u buồn trong Rừng Na – uy lại nhận xét: nhân vật tất tả ngược xuôi đi tìm bản ngã giữa biển người mênh mông. Nhưng rồi chính sự cô đơn trong tâm hồn đã đưa bản ngã đến gần tha nhân hơn. Bản ngã cô đơn phân mảnh cực đoan trong không gian văn hóa Nhật Bản hậu hiện đại.
Cũng với tinh thần trên, tác giả Nguyễn Anh Dân đã quan tâm đến sự Tìm kiếm bản thể đích thực và giải phẫu tinh thần Nhật Bản hậu hiện đại trong tác phẩm của Huraki Murakami. Với việc phân tích cụ thể thấu đáo một số tác phẩm của Murakami, tác giả đã đi đến nhận định: tinh thần Nhật Bản hậu hiện đại nằm ngay ở cảm thức về sự phi lý, về nỗi cô đơn và kiếm tìm bản thể.
Năm 2013, Khoa Ngữ văn – Bộ môn Văn học nước ngoài của Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo về Murakami, tại hội thảo này đã có rất nhiều bài báo cáo được trình bày dưới các góc độ khác nhau, điều này càng khẳng định thêm sức hấp dẫn của Murakami đối với các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp nhận thêm những bài viết trên mạng Internet (các website, diễn đàn văn học) để có thêm tư liệu cho việc thực hiện luận án. Chẳng hạn như trong bài viết: Hệ thống biểu tượng và Bức họa phi lý và phản quang xã hội trong “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Nguyễn Anh Dân. Trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra hệ thống biểu tượng trong tác phẩm khá đa dạng từ vật thể đến con người và nhận định rằng: “Đó hoàn toàn có thể là một trò chơi biểu tượng của Murakami, đây không phải là một tác phẩm dễ giải mã khi mà nó ngồn ngộn những hệ thống ký hiệu quy ước của cá nhân – những biểu tượng của tác giả”.
Sáng tác của Haruki Murakami đã trở thành đề tài nghiên cứu của các luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ, các báo cáo khoa học. Trong đó phải kể đến các công trình Luận án tiến sỹ của các tác giả như: Luận án Yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Haruki Murakami của tác giả Lê Thị Diễm Hằng: Sự khác biệt của yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami của tác giả Lê Quang Hưng; Luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Văn Bằng: Con người bản năng trong tiểu thuyết rừng Na-uy của Haruki Murakami; Kiểu nhân vật cô đơn trong một số tiểu thuyết của Yoshimoto Banana và Haruki Murakami của Hoàng Thị Hiền Lê; Yếu tố huyền ảo trong sáng tác của Haruki Murakami của Nguyễn Anh Dân 2010; Tư tưởng Biên niên lý chim vặn dây cót của Haruki Murakami từ góc nhìn mỹ học thiền của tác giả Ngô Viết Hoàn.v.v..
Ngoài ra sáng tác của Haruki Murakami cũng đã được nhiều tác giả lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu trong nhiều đề tài khoa học, các khóa luận, luận văn tốt nghiệp của sinh viên, học viên cao học như: Thực và ảo trong truyện ngắn của Haruki Murakami của Trần Thị Yến Minh; Vấn đề tình dục qua tiểu thuyết “Người đẹp say ngủ” (Kawabata) và “Rừng Nauy” (Haruki Murakami) (2008) của Đỗ Minh Phương; Con người bản năng trong tiểu thuyết Rừng Nauy của Haruki Murakami (2009) của Nguyễn Văn Bằng; Cái chết trong Rừng Nauy (2009) của Nguyễn Thị Mai; Bi kịch con người hậu hiện đại trong Rừng Nauy và Biên niên kí chim vặn dây cót của Haruki Murakami (2010) của Vũ Thị Hồng Nhung; Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn của Haruki Murakami (2010) của Hà Thị Lĩnh; Thế giới nhân vật trong Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami (2011) của Nguyễn Thi Ý Lan; Bút pháp hiện thực và huyền ảo trong tiểu thuyết của Haruki Murakami (qua Kafka bên bờ biển, Biên niên kí chim vặn dây cót và xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới) (2011) của Trần Thị Bích; Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Haruki Murakami (2011) của Trần Thị Thạch Hà; Thủ pháp dòng ý thức trong tiểu thuyết Biên niên kí chim vặn dây cót của Haruki Murakami (2011) của Hồ Minh Thông; Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết của Haruki Murakami (2012) của Lê Thị Thanh..
Trong các công trình trên, chúng tôi rất quan tâm đến Luận án tiến sỹ Yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Haruki Murakami của tác giả Lê Thị Diễm Hằng. Với kết cấu 4 chương dày dặn (Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu; Chương 2. Trạng thái hậu hiện đại và cảm quan về con người trong tiểu thuyết của Haruki Murakami; Chương 3. Trần thuật hỗn hợp trong tiểu thuyết Haruki Murakami; Chương 4. Liên văn bản trong tiểu thuyết Haruki Murakami); Luận án đã soi sáng các yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết Murkami, đồng thời khái quát sự vận động của tư duy tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết hậu hiện đại, với những đặc trưng của nó; tác giả Luận án đã có những nhận định rất sắc sảo: “Với Murakami, thế giới đầy những điều bất thường và phi lý chính là động lực để con người tìm về bản thể chính mình. Phản ánh được cái cảm thức hoang mang của con người ngày hôm nay. Viết về những mảnh vỡ của hiện thực bằng lối trần thuật hỗn hợp và liên văn bản độc đáo, Haruki Murakami đã thực sự đi vào địa hạt của văn chương hậu hiện đại”. [50, 2].
Nguyễn Văn Bằng trong Luận văn thạc sỹ Con người bản năng trong tiểu thuyết rừng Na-uy của Haruki Murakami (2009), đã chú ý đến kiểu con người bản năng và hành trình tìm kiếm con người bản năng qua tác phẩm Rừng Na – uy. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã nhìn thấy “sự kết tinh tài năng sáng tạo của tác giả trong việc khám phá và thể hiện chiều sâu bản thể của con người trong hành trình tìm kiếm bản đích thực. Trong hành trình đó, bản năng con người, đó là con người thân phận gắn với nỗi cô đơn, con người bản năng – vô thức với dục tính và bi kịch của thân phận con người gắn với cái chết”. Trong khi phân tích các khía cạnh con người bản năng, tác giả luận văn cũng đã chú ý đến nghệ thuật thể hiện kiểu con người này trong đó những kỹ thuật thuộc về văn chương hậu hiện đại như sử dụng lối biểu tượng, thủ pháp dòng ý thức, phân rã cốt truyện và hiện tượng đứt gãy trong dòng ý thức nhân vật.
Đặc biệt với Luận án tiến sĩ “Sự khác biệt của yếu tố hậu hiện đại trong sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami (2018) của tác giả Trần Quang Hưng, đã thực sự khai mở cho chúng tôi rất nhiều trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu. Điểm nổi bật của luận án là đã chỉ ra những khác biệt về yếu tố hậu hiện đại trong tác phẩm của H.Murakami và Hồ Anh Thái ở các phương diện thân phận con người và phương thức thể hiện tác phẩm. Nếu ở Hồ Anh Thái, ông thường phản ánh chân dung con người trong sự va đập với hiện thực của cuộc sống đương đại đầy hỗn độn, giả dối, thiếu vắng chuẩn mực, hỗn tạp và bát nháo như một cái “nhà cười” khổng lồ bằng kiểu con người đặc trưng đó là con người tha hóa, thì ở Murakami, ông phản ánh chân dung con người với khát vọng khám phá những sâu thẳm bên trong con người để có được sự phân tích sâu sắc tâm hồn con người ở nhiều góc cạnh khác nhau. Cả hai nhà văn cũng đã cùng xây dựng kiểu con người hành trình trong sáng tác của mình nhưng con người với hành trình kiếm tìm trong những sáng tác của Hồ Anh Thái chủ yếu đi tìm giá trị, ý nghĩa của cuộc sống và đánh giá những con người khác ở thực tại khách quan, trong môi trường, trong hoàn cảnh xã hội họ đang tồn tại. Còn những con người với hành trình kiếm tiềm của Murakami lại đang cố đi tìm cái bản thể nguyên sơ toàn vẹn. Các nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường để lại một ấn tượng lạc quan cho người đọc. Còn với con người kiếm tìm trong sáng tác của Murakami trên chặng đường truy tầm cái tôi đã để lại nỗi ám ảnh ưu tư khắc khoải cho câu trả lời về bản thể trong thế giới hỗn mang này. Về phương thức thể hiện: Cách triển khai cốt truyện mảnh vỡ của Murakami trong một tác phẩm phức tạp hơn nhiều so với Hồ Anh Thái. Đặc biệt hình thức phân mảnh cốt truyện theo kiểu mê cung xoay vần hay nhiều tuyến truyện song song cùng triển khai tạo hiệu ứng domino là một kĩ thuật viết rất khó của Murakami. Ở nghệ thuật mờ hóa nhân vật, ở mỗi nhà văn lại có những cái hay riêng. Hồ Anh Thái mờ hóa nhân vật bằng sự tối giản về lai lịch, ngoại hình, đời sống nội tâm. Murakami lại có cách để thực hiện triệt để hơn nữa việc tẩy trắng nhân vật. Sắc màu văn hóa trong những trang văn của Hồ Anh Thái mang đậm dấu ấn của tư tưởng văn hóa phương Đông trong sự pha trộn với văn hóa dân gian. Trong khi đó nghiên cứu sáng tác Haruki Murakami có sự lai ghép về văn hóa Đông Tây hết sức rõ rệt. Nếu ở những trang văn của Hồ Anh Thái nhân sinh quan Phật giáo đóng vai trò quan trọng, dấu ấn của triết học Phật giáo in đậm sâu sắc, thì ở Murakami lại thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học Phật giáo tâm linh với hiện sinh, phân tâm học phương Tây và cả cảm thức phi lý trong sáng tác của F.Kafka..